Hỗ trợ:
(028) 39307533
Giỏ hàng:
0
(0)
Giới thiệu

CẤU TRÚC HỌC LIỆU

Giáo trình được biên soạn thành ba phần với 10 chương được hai tác giả Cao Minh Trí và Lê Vũ Linh Toàn cùng biên soạn. Nội dung từng chương được tóm tắt như sau:

 

 

 

 

Phần 1: CHIẾN LƯỢC KINH DOANH QUỐC TẾ

Đây là những chiến lược chung của một doanh nghiệp kinh doanh quốc tế, thuộc cấp quản trị cao nhất. Trong phần này, sau khi nghiên cứu tổng quan về kinh doanh quốc tế, tài liệu học tập cung cấp cho người học các kiến thức về những chiến lược kinh doanh quốc tế của các công ty đa quốc gia, cũng như cách các công ty này thâm nhập vào thị trường nước ngoài, cách họ thiết kế cơ cấu và kiến trúc doanh nghiệp sao cho phù hợp với các chiến lược kinh doanh quốc tế tương ứng.

Chương 1 - Tổng quan về kinh doanh quốc tế - giúp người học nhớ lại các khái niệm về kinh doanh quốc tế, trình bày lại được các kiến thức cơ bản liên quan toàn cầu hóa, thương mại quốc tế  và đầu tư quốc tế cũng như giải thích được sự khác biệt giữa các quốc gia.

Chương 2 - Chiến lược kinh doanh quốc tế - cung cấp những kiến thức cơ bản về chiến lược kinh doanh quốc tế và để hình thành nên một chiến lược hiệu quả, các công ty cần tiến hành những công việc gì trong mối quan hệ phức tạp giữa khả năng sinh lợi và tăng trưởng lợi nhuận.

Chương 3 - Gia nhập thị trường quốc tế - đề cập đến những vấn đề cơ bản mà các công ty cần phải lưu ý khi đưa ra các quyết định gia nhập thị trường nước ngoài. Người học cũng được giới thiệu các phương thức gia nhập thị trường phổ biến thường được các công ty lựa chọn, đồng thời phân tích lợi ích và hạn chế của mỗi phương thức.

Chương 4 - Liên minh chiến lược quốc tế - đề cập đến lợi ích, phạm vi và cách thức thực hiện liên minh chiến lược trong kinh doanh quốc tế. Chương này cũng phân tích những cơ cấu hình thành và các thách thức mà các công ty phải đối mặt khi áp dụng loại hình chiến lược này.

Chương 5 - Thiết kế tổ chức hoạt động kinh doanh quốc tế - cung cấp những kiến thức cơ bản về những vấn đề liên quan đến việc thiết lập công ty toàn cầu và quản lý hoạt động kiểm soát trong kinh doanh quốc tế.

 

 

Phần 2: CÁC CHIẾN LƯỢC CHỨC NĂNG

Sau khi tìm hiểu các chiến lược chung ở phần 1, chúng ta tiếp tục đi vào tìm hiểu ở phần 2 về các chiến lược chức năng của một doanh nghiệp kinh doanh quốc tế. Phần này sẽ giúp nhà quản trị đưa ra các quyết định cũng như các nhà nghiên cứu chuyên sâu hơn về các lĩnh vực marketing, vận hành, nhân lực, tài chính và trách nhiệm xã hội.

Chương 6 - Quản trị marketing quốc tế - phân tích hoạt động quản trị marketing quốc tế ở các doanh nghiệp, đồng thời giới thiệu các chiến lược sản phẩm quốc tế, chính sách giá, chính sách xúc tiến và các vấn đề liên quan đến phân phối.

Chương 7 - Quản trị vận hành quốc tế - giúp người học tìm hiểu giải đáp cho hai vấn đề. Đó là làm thế nào các công ty đa quốc gia đưa ra được lựa chọn vị trí đặt nhà máy sản xuất hoặc địa điểm kinh doanh dịch vụ và căn cứ vào đâu mà quyết định tự sản xuất hay mua lại hay thuê ngoài được đưa ra.

Chương 8 - Quản trị nhân lực quốc tế - tổng hợp các chính sách nhân sự, hoạt động đào tạo, cách đánh giá hiệu quả làm việc của nhân viên và chính sách lương thưởng được áp dụng trong các công ty đa quốc gia.

Chương 9 - Quản trị tài chính quốc tế - tổng hợp những vấn đề tài chính mà công ty hay gặp trong hoạt động kinh doanh quốc tế bao gồm ba nhóm quyết định. Một là các quyết định đầu tư, quyết định các hoạt động nào nên được đầu tư. Hai là, các quyết định tài chính, quyết định làm thế nào tìm được nguồn vốn cho các hoạt động đó. Ba là, các quyết định quản lý tiền tệ, quyết định cách thức quản lý nguồn lực tài chính của doanh nghiệp một cách hiệu năng nhất.

Chương 10 - Trách nhiệm xã hội trong doanh nghiệp quốc tế - trình bày cho người đọc biết về trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp quốc tế với định hướng phát triển bền vững. Doanh nghiệp quốc tế đã làm gì để đáp ứng trách nhiệm xã hội? Các chiến lược CSR của các doanh nghiệp đa quốc gia ra sao? Đồng thời nêu ra những quan điểm tranh luận tiêu biểu xoay quanh chủ đề này.

 

 

Phần 3: CÁC TÌNH HUỐNG HỌC TẬP

Hai mươi mốt tình huống với các câu hỏi thảo luận sẽ giúp người học có thể phát triển các kiến thức đã được học và ước tính được kết quả có đạt được mục tiêu học tập và chuẩn đầu ra hay không.

Tình huống và chương sách tương ứng như sau:

Tình huống 1: Tác động của toàn cầu hóa kinh tế (Chương 1).

Tình huống 2: Uber và câu chuyện kinh doanh toàn cầu (Ch 1, 2).

Tình huống 3: Thành công của Walmart tại Mexico, Canada và Trung Quốc (Chương 1, 2, 3).

Tình huống 4: Sun Story - Pepsico: Liên minh chiến lược (Chương 2, 3, 4).

Tình huống 5: Samsung – Cấu trúc tổ chức (Chương 2, 5).

Tình huống 6: Vì sao nhiều công ty Mỹ chán sản xuất ở Trung Quốc? (Chương 2, 3, 6).

Tình huống 7: Oreo: thất bại và thành công ở Trung Quốc (Chương 2, 3, 4, 7).

Tình huống 8: Kline & Associates: Tình huống Fred Bailey công tác tại Nhật Bản (Chương 2, 3, 5, 8).

Tình huống 9: Tài trợ Gol (Chương 2, 9).

Tình huống 10: Nike: Sự thay đổi của một biểu tượng về đối xử tàn tệ với người lao động (Chương 2,3, 10).

Tình huống 11: Bê bối công ty sữa Sanlu (Chương 2, 3, 4, 7, 10).

Tình huống 12: Chiến lược kinh doanh tại Mỹ của Trung Nguyên (Chương 1, 2, 3, 4, 6).

Tình huống 13: Đi hay ở (Chương 1, 2, 5, 8).

Tình huống 14: Viettel và các chiến lược gia nhập thị trường nước ngoài (Chương 1, 2, 3, 4, 9).

Tình huống 15: Con đường đi vào thị trường thế giới của Lenovo (Chương 1, 2, 3, 4, 5, 8).

Tình huống 16: Cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam khi AEC được thành lập (Chương 1, 2, 3, 4, 7).

Tình huống 17: Bí quyết thành công khi gia nhập thị trường mới (Chương 1, 2, 3, 4, 5, 6).

Tình huống 18: Mua lại và sáp nhập (M&A) và thực trạng tại Việt Nam (Chương 1, 2, 3, 4).

Tình huống 19: Sáu yếu tố tạo nên văn hóa doanh nghiệp (Chương 1, 2, 5, 8).

Tình huống 20: Sáu nguyên lý của sản xuất tinh gọn (lean manufacturing)          (Chương 1, 2, 7, 8).

Tình huống 21: Những phi vụ chuyển giá kinh điển tại Việt Nam (Chương 1, 2, 9).

YÊU CẦU ĐỐI VỚI NGƯỜI HỌC

Quản trị kinh doanh quốc tế là một trong những môn học cốt lõi của khối kiến thức ngành/chuyên ngành trong chương trình đào tạo cử nhân ngành Quản trị kinh doanh hoặc ngành Kinh doanh quốc tế và khối kiến thức chuyên ngành trong chương trình đào tạo sau đại học ngành Quản trị kinh doanh của các trường đại học tiên tiến trong và ngoài nước. Môn học này có vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho người học những kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết về các hoạt động kinh doanh quốc tế của các công ty đa quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa, từ đó có thể triển khai thực hiện tốt nhất. Đây cũng là tiền đề cho các môn học chuyên sâu khác của khối kiến thức ngành/chuyên ngành như: Marketing quốc tế, Quản trị nhân lực quốc tế, Quản trị vận hành và chuỗi cung ứng toàn cầu, Quản trị tài chính quốc tế...

Để học tốt môn này, người học cần phải:

•   Có kiến thức cơ bản về kinh doanh quốc tế.

•   Có kiến thức cơ bản về quản trị chiến lược, quản trị học.

•   Có kiến thức cơ bản về quản trị marketing, quản trị vận hành, quản trị nhân lực, quản trị tài chính.

•   Quan tâm đến các hoạt động kinh doanh quốc tế;

•   Thích xem xét, phân tích và đánh giá các xu hướng vận động của nền kinh tế thế giới cũng như các hoạt động của các công ty đa quốc gia.

 

CÁCH TỰ HỌC VỚI CUỐN SÁCH NÀY

Người học dựa trên cấu trúc của từng chương để tự học. Đầu tiên phải hình dung được mục tiêu và nội dung chính của chương. Sau khi nghiên cứu phần nội dung của chương, người học nên đọc phần tóm tắt chương để sắp đặt lại các kiến thức. Phần câu hỏi ôn tập sẽ giúp người học đánh giá lại việc đạt được mục tiêu chương hay chưa. Người học cũng có thể đọc thêm các bài phân tích, bài báo khoa học ở cuối mỗi chương để bổ trợ cho kiến thức đã học. Cuối cùng, người học nên tự nghiên cứu và trả lời các câu hỏi của tình huống học tập ở Phần 3 của Giáo trình thông qua kiến thức đã học ở các chương cũng như lược khảo nghiên cứu tài liệu, bài báo khoa học có liên quan để có thể phát triển các kiến thức đã được học và ước tính được kết quả đạt được sau khi tự học từng chương.

NHÓM TÁC GIẢ

Chủ biên: Tiến sĩ Cao Minh Trí hiện là Trưởng Bộ môn Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh. Ông tốt nghiệp tiến sĩ ngành Kinh doanh quốc tế tại Học viện Công nghệ châu Á (AIT- Thái Lan) năm 2010. Ông là giảng viên đại học và sau đại học các môn chuyên ngành Kinh doanh quốc tế, Marketing, Thương hiệu và Chiến lược với hơn 50 công trình khoa học đã được công bố trong và ngoài nước. Ông cũng là cố vấn cho nhiều doanh nghiệp, tổ chức về các lĩnh vực đang nghiên cứu, giảng dạy.

Thành viên: Thạc sĩ Lê Vũ Linh Toàn hiện là giảng viên Bộ môn Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh.

LỜI CẢM ƠN

Kiến thức thì vô hạn, môi trường và bối cảnh kinh doanh toàn cầu cũng không ngừng biến đổi, trình độ người viết vẫn còn nhiều hạn chế, chắc chắn vẫn không thể tránh khỏi những thiếu sót. Chúng tôi, những người biên soạn, trân trọng cám ơn Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện cho việc biên soạn giáo trình này. Chúng tôi cũng trân trọng cảm ơn các tác giả, các nghiên cứu sinh đã cho phép chúng tôi sử dụng những tài liệu và tình huống nghiên cứu của mình trong Giáo trình. Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp chân tình của các học giả, chuyên gia kinh tế, nhà quản trị, quý đồng nghiệp và các bạn học viên để trong những lần tái bản tới được cập nhật thông tin và bổ sung kịp thời.

Tất cả các ý kiến đóng góp, xin vui lòng gửi về địa chỉ:

BỘ MÔN KINH DOANH QUỐC TẾ

Khoa Quản trị kinh doanh

Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh.

35 đường Hồ Hảo Hớn, P. Cô Giang, Q.1, TP.HCM.

Hoặc địa chỉ email: tri.cm@ou.edu.vn

Trân trọng cảm ơn!

Chủ biên TS. Cao Minh Trí

Sách liên quan
Sách thường được mua kèm với sách này
Hoạt động của cộng đồng về sách này
Thành phần
Bình luận bạn đọc
Đăng nhập để viết bình luận