GIỚI THIỆU MÔN HỌC QUẢN TRỊ HỌC
Tại sao chúng ta cần học quản trị? Có nhiều lý do để học quản trị. Thứ nhất, trong bất cứ một xã hội nào, khi nguồn lực có giá trị luôn khan hiếm, người ta luôn tìm cách sử dụng chúng một cách có hiệu quả hơn, để cho công dân trong xã hội đó ngày càng có cuộc sống hạnh phúc hơn. Nhà quản trị là người phải quyết định làm thế nào
để sử dụng những nguồn lực của xã hội sao cho có hiệu quả nhất. Những nguồn lực đó bao gồm những người lao động có kỹ năng tốt, các tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, đất đai, rừng, biển… mạng lưới thông tin, và các tài sản tài chính khác. Việc sử dụng các nguồn lực này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng của xã hội và con người trong xã hội đó. Hiểu biết về điều nhà quản trị làm và cách họ làm là hết sức quan trọng để hiểu làm thế nào xã hội tạo ra phúc lợi và giá trị cho các công dân trong xã hội. Thứ hai, mặc dù không phải ai cũng trở thành nhà quản trị, nhiều người không bao giờ có ý định đó, nhưng mọi người đều thực hiện các công việc của một nhà quản trị, bởi vì dù cho làm việc ở bất kỳ ngành nào thì hầu hết người lao động đều làm việc trong một nhóm và phải hợp tác với đồng nghiệp, với cấp trên. Nghiên cứu quản trị học sẽ giúp mọi người làm việc với cấp trên và đồng nghiệp tốt hơn. Nó cho thấy làm cách nào hiểu được mọi người trong công việc, đưa ra quyết định và thực hiện các hoạt động để đạt được sự chú ý và hỗ trợ của lãnh đạo hay cấp trên. Quản trị học dạy cho chúng ta không chỉ những công việc ở vị trí một nhà quản trị mà môn học này còn đề cập đến cách tập hợp các đồng nghiệp, cách giải quyết các mâu thuẫn giữa mọi người, làm thế nào để đạt được các mục tiêu và góp phần tạo nên thành tích của mỗi cá nhân cũng như của cả nhóm.
Thứ ba, trong mỗi xã hội, việc cạnh tranh giữa các cá nhân để giành được một công việc có mức lương tốt, thú vị và nhiều cơ hội thăng tiến, cũng như có được sự hài lòng về nghề nghiệp đang ngày càng cao hơn. Các kiến thức và kỹ năng quản trị có thể được xem là một con đường quan trọng để đạt được các mục tiêu này. Nhìn chung,
công việc càng thú vị thì càng phức tạp và phải chịu trách nhiệm nhiều hơn. Những người luôn mong muốn có công việc thú vị và hài lòng hơn thì họ càng phải phát triển kỹ năng quản trị nhiều hơn nữa. Một số người làm việc nhiều năm tại các công ty thường quay trở lại trường đại học để học cử nhân hoặc thạc sĩ quản trị kinh doanh, với hy vọng có công việc tốt hơn, được trả lương nhiều hơn so với công việc trước đó.
Đó chính là các lý do khiến ngày càng nhiều người quan tâm đến khoa học quản trị. Trong chương trình đào tạo ngành Quản trị kinh doanh, môn Quản trị học là môn học trang bị những kiến thức nền để từ đó học các môn chuyên sâu về quản trị như Quản trị nguồn nhân lực, Quản trị dự án, Quản trị marketing, Quản trị chiến lược… Vì vậy nội dung môn học này chú trọng làm rõ các khái niệm cơ bản trong khoa học quản trị. Những kiến thức cơ bản về quản trị cũng cần thiết đối với một số ngành học khác như Tài chính, Kinh tế và cả Xã hội học nên trong chương trình đào tạo của những ngành này cũng có môn Quản trị học. Như vậy kiến thức về Quản trị học không chỉ hữu ích với sinh viên ngành Quản trị kinh doanh mà gần như cho tất cả mọi người.
GIỚI THIỆU VỀ CUỐN SÁCH
Cuốn sách này dùng làm giáo trình cho môn Quản trị học trong chương trình đào tạo bậc đại học ngành Quản trị kinh doanh và một số ngành khác có liên quan. Cuốn sách có những mục tiêu sau đây:
+ Cung cấp các kiến thức cơ bản về quản trị
+ Minh họa các vấn đề thực tiễn trong quản trị, từ đó giúp người học có thể giải thích và sử dụng các lý thuyết và kiến thức cốt lõi trong quản trị học.
+ Giúp người học hiểu được việc thực hiện một hoạt động quản trị trong thực tế sẽ được tiến hành như thế nào, trên cơ sở trang bị các kiến thức về các chức năng quản trị trong việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm soát các hoạt động của tổ chức; cũng như các kỹ năng ra quyết định, truyền thông, quản lý nhóm trong các hoạt động của tổ chức.
Để đạt được các mục tiêu này, cuốn sách bao gồm các nội dung cốt lõi sau:
+ Khái quát về quản trị học: khái niệm, mục tiêu, chức năng, các lý thuyết quản trị học.
+ Vai trò, nhiệm vụ và yêu cầu về kỹ năng của nhà quản trị.
+ Các chức năng quản trị: hoạch định, tổ chức, lãnh đạo, kiểm soát.
+ Các kỹ năng của nhà quản trị: ra quyết định, truyền thông, quản lý nhóm và xử lý xung đột.
Cuốn sách được tiếp cận trên quan điểm quản trị học hiện đại, trong đó các khái niệm, nội dung, phương pháp được cập nhật với lý thuyết hiện đại về quản trị học. Các nội dung đề cập trong cuốn sách chú trọng tới tính thực tiễn của quản trị, trong sách mỗi phần lý thuyết đều có ví dụ minh họa thực tiễn giúp người học dễ dàng trong việc nắm bắt và hiểu sâu hơn tình hình thực tế quản trị kinh doanh trong và ngoài nước. Cuốn sách có 10 chương, chia làm 3 phần. Phần thứ nhất trình bày các vấn đề chung về quản trị, bao gồm 3 chương: chương 1 đề cập đến các vấn đề căn bản về quản trị; chương 2 giới thiệu về nhà quản trị và các yêu cầu của nhà quản trị; chương 3 đề cập đến môi trường tổ chức, một yếu tố rất quan trọng khi xem xét vấn đề quản trị tại mỗi tổ chức. Phần thứ hai đề cập đến các chức năng của quản trị, trải theo quá trình quản trị, bao gồm 4 chương: chương 4 trình bày chức năng hoạch định – kế hoạch và chiến lược là kết quả của quá trình hoạch định; chương 5 nói về tổ chức và các mô hình tổ chức; chương 6 đề cập đến công tác lãnh đạo; và chương 7 trình bày về việc kiểm soát. Phần thứ ba hướng đến các kỹ năng quản trị, bao gồm 3 chương: chương 8 trình bày về kỹ năng ra quyết định; chương 9 liên quan đến truyền thông; và chương 10 nghiên cứu về kỹ năng quản trị nhóm hiệu quả.
Cuốn sách trình bày những vấn đề cơ bản nhất về quản trị học. Vào đầu mỗi chương, người đọc sẽ làm quen với một tình huống trong thực tiễn có liên quan đến nội dung của chương đó, như một sự dẫn dắt, khơi gợi để tìm hiểu vấn đề. Từ đó người đọc sẽ hiểu lý do vì sao cần học chương này, cũng như hiểu được mục tiêu của
chương. Các câu hỏi gợi mở ban đầu giúp người đọc tìm hiểu và khơi gợi các vấn đề có liên quan đến nội dung học của chương. Phần nội dung chương là phần chính, trình bày các vấn đề liên quan đến nội dung của chương. Sau mỗi phần, các ý chính được tóm tắt lại trong hộp ghi nhớ. Phần tóm tắt cuối chương giúp người học ghi nhận lại các nội dung chính, từ đó có căn cứ để thảo luận các câu hỏi liên quan đến vấn đề chính yếu của chương. Câu hỏi trắc nghiệm giúp người học làm quen với cách đánh giá kết quả học tập trong các kỳ thi giữa hoặc cuối kỳ.
Nhóm tác giả viết sách bao gồm: TS. Trịnh Thùy Anh, chủ biên, tham gia viết các chương 1, 3, 6, 7, 8. ThS. Bùi Thị Quỳnh Ngọc, tham gia viết các chương 2, 4, 5. ThS. Lê Khoa Nguyên, tham gia viết các chương 9, 10. Để thực hiện được cuốn sách này, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ, động viên và giúp đỡ của các thầy cô giáo và các đồng nghiệp. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn PGS. TS. Đoàn Thị Mỹ Hạnh với những sự hỗ trợ và góp ý quý báu dành cho nhóm tác giả trong suốt thời gian thực hiện cuốn sách này. Chúng tôi trân trọng cảm ơn TS. Trần Anh Tuấn với nhiều ý kiến tư vấn cho nhóm tác giả trong quá trình thực hiện cuốn sách. Đồng thời, chúng tôi cũng gửi lời cảm ơn chân thành tới TS. Trần Duy Thức, ThS. Hồ Nhật Hưng và ThS. Đoàn Thị Thanh Thúy đã có nhiều góp ý để cuốn sách được hoàn thiện hơn. Với sự nỗ lực cao nhất, nhưng cuốn sách không tránh khỏi nhiều thiếu sót, mong nhận được sự góp ý của bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn. Ý kiến trao đổi với tác giả vui lòng gửi về địa chỉ email: thuyanh@ou.edu.vn
Cuối cùng, chúng tôi chúc các bạn học thành công và yêu thích môn Quản trị học.
PGS. TS. Trịnh Thùy Anh