Hỗ trợ:
(028) 39307533
Giỏ hàng:
0
(0)
Luật hôn nhân gia đình tập 2 (TB4, có chỉnh sửa) (11 2023)
Giới thiệu

Pháp luật hôn nhân và gia đình, theo nghĩa rộng nhất, được hiểu là tập hợp các quy tắc chi phối các quan hệ gia đình kể từ lúc gia đình hình thành bằng việc xác lập quan hệ vợ chồng.  

Nhân vật trung tâm của gia đình là vợ và chồng. Đây cũng là hai thành viên đầu tiên của gia đình. Sự kết hợp của hai con người này bằng hôn nhân đánh dấu sự ra đời của gia đình, đồng thời cũng là điều kiện bảo đảm sự kế tục và phát triển của gia đình, như là tế bào của xã hội. Việc duy trì quan hệ hôn nhân đòi hỏi ở vợ và chồng sự tuân thủ một loạt các quy tắc chi phối ứng xử trong khuôn khổ đời sống gia đình.  

Trong trường hợp điển hình, vợ chồng hoà thuận, đoàn kết chung tay xây dựng gia đình đầm ấm, thịnh vượng, sinh ra những đứa con, cha mẹ cùng nhau nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nên người. Khi cha mẹ nhắm mắt, các con tiếp quản cơ nghiệp do cha mẹ để lại và tiếp tục khuếch trương các thành quả của những người đi trước.    

Nhưng cũng có trường hợp gia đình không đầm ấm do giữa vợ chồng thường xuyên có mâu thuẫn, xung đột. Không ít đôi vợ chồng chọn chấm dứt quan hệ hôn nhân bằng cách ly hôn, dẫn đến những rắc rối liên quan đến việc phân chia tài sản cũng như việc xác định lại các thể thức thực hiện quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con.  
Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình gồm 2 tập, tập 1 giới thiệu các quan hệ nhân thân giữa các thành viên gia đình, tập 2 phân tích các quan hệ tài sản gia đình.  

Ở góc độ nhân thân, các quan hệ gia đình phát sinh từ việc xác lập quan hệ hôn nhân, gọi là kết hôn. Giữa các thành viên gia đình có các quyền và nghĩa vụ nhân thân đặc thù mà việc thực hiện nghiêm chỉnh các quyền và nghĩa vụ đó được cho là có tác dụng bảo đảm hạnh phúc gia đình. Ly hôn là cách chấm dứt quan hệ hôn nhân mang tính bi kịch cần được chi phối một cách chặt chẽ để ngăn ngừa hệ luỵ tiêu cực đối với cuộc sống về sau của bên này, bên kia và nhất là đối với con cái.  

Ở góc độ tài sản, các quan hệ gia đình được xác lập và vận hành với vai trò chủ đạo của vợ và chồng. Trong khung cảnh luật thực định, quan hệ tài sản vợ chồng có thể được chi phối hoàn toàn theo luật hoặc một phần theo luật và một phần theo thoả thuận. Quan hệ thừa kế, về phần mình, được cho là cách để bảo đảm sự liên tục của quan hệ gia đình trong điều kiện cuộc sống của chủ sở hữu tài sản, đồng thời là thành viên gia đình, không kéo dài vô tận.  

Giáo trình được biên soạn để phục vụ việc học tập, nghiên cứu của người học bậc đại học và sau đại học, cũng như việc giảng dạy, nghiên cứu của giảng viên, nhà nghiên cứu, nhà thực hành luật. Đối với sinh viên đại học, việc sử dụng giáo trình làm tài liệu tự học được khuyến khích, nhưng chỉ sau khi sinh viên đã lên lớp nghe giảng về nội dung liên quan.  

Trong quá trình biên soạn, tác giả đã tham khảo nghiêm túc các công trình nghiên cứu về hôn nhân và gia đình của các chuyên gia, nhà nghiên cứu có uy tín  trong và ngoài nước. Tác giả cố gắng tiếp thu kinh nghiệm của các nhóm tác giả đi trước, đồng thời nỗ lực tạo ra bản sắc khoa học riêng.  

Tuy nhiên, công trình không tránh khỏi thiếu sót, tác giả mong nhận được sự thông cảm và rất cảm ơn sự góp ý của độc giả để công trình có thể được hoàn thiện về sau.  

Trân trọng cảm ơn! 

Sách liên quan
Sách thường được mua kèm với sách này
Hoạt động của cộng đồng về sách này
Thành phần
Bình luận bạn đọc
Đăng nhập để viết bình luận