Hỗ trợ:
(028) 39307533
Giỏ hàng:
0
(0)
Giới thiệu

Cuốn sách “Hành vi tổ chức” mà bạn đang có trong tay đúng ra phải có mặt sớm hơn. Bởi sau gần mười năm giảng dạy, chúng tôi mới hoàn thành nổi tác phẩm này. Đằng sau sự chậm trễ có nhiều lý do nhưng đôi khi sự chậm trễ cũng có cái hay của nó. Kiến thức và kinh nghiệm giảng dạy cần có độ lùi, cần có đủ thời gian để chín, để hiểu đúng, cặn kẽ hơn, để gom góp, chắt lọc và trình bày phù hợp hơn đối với một đối tượng cụ thể là các sinh viên. Nếu vội vã cho nó ra đời chắc chắn sẽ có rất nhiều thiếu sót. Trong khoa học không ai dám bảo rằng mình hoàn toàn đúng. Nhưng một sự hấp tấp, cẩu thả thì thật đáng trách và cái sai lạc “liều mạng” thì không thể dung thứ. Nói như vậy không có nghĩa là cuốn sách này hoàn hảo, không có chỗ sai sót, mà chỉ muốn thưa một điều, dẫu sao nó vẫn vững chãi hơn lúc muộn màng này. Dù đã có một chương nhập môn, mà phần trình bày của nó là mục tiêu, nội dung và cấu trúc của môn học, chúng tôi vẫn còn một vài điều để nói ngoài lề, chủ yếu liên quan tới chuyện “bếp núc”. 

Trong quá trình soạn thảo, chúng tôi dựa vào nhiều nguồn tài liệu, sách giáo khoa khác nhau như các bạn thấy ở danh mục sách tham khảo. Nhưng cái sườn, cái khung và ngay cả một số nội dung, ý tưởng của cuốn sách này được tham khảo nhiều ở các ấn bản cuốn Organizational Behavior của Stephen P. Robbins và một cộng sự của ông là Timothy A. Judge. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà chúng tôi có sự lựa chọn này. Trước hết, do yêu cầu thống nhất chương trình, nội dung giảng dạy của Khoa Quản trị
Kinh doanh, Trường Đại học Mở TP.HCM, và cũng rất có thể của nhiều trường đại học khác, kể cả yêu cầu trước đây về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà tác giả Stephen P. Robbins đã được chọn. Dẫu sao, theo kinh nghiệm chúng tôi, Stephen P. Robbins vẫn là một tác giả dễ đọc, dễ hiểu, phần trình bày có vẻ ít rối rắm hơn, nên dễ nắm bắt hơn so với các tác giả khác. Ở đây, chúng tôi không muốn làm một sự so sánh nào giữa các tác giả với nhau và kết luận ai hay ai dở, ai có lý hoặc vô lý, mà chỉ căn cứ vào sự thuận tiện cho việc tiếp nhận của người dạy và người học Việt Nam. Có lẽ đây là lý do chính đáng để chúng tôi dựa dẫm vào tác giả này. 

Có những điều mà một cuốn sách nước ngoài dù có hay và dễ hiểu cỡ nào cũng không thể phù hợp với tất cả mọi đối tượng, tuy cũng là sinh viên cả! Chắc chắn khi tác giả Stephen P. Robbins viết là nhắm tới độc giả sinh viên tại Mỹ, Canada,…và có thể xa hơn chút nữa, là các nước nói tiếng Anh - những nước, xét về mặt văn hóa, gần gũi nhau và trình độ của các đối tượng không khác xa nhau là mấy. Với người đọc Việt Nam, chúng ta sẽ bắt gặp nhiều điều xa lạ trong sách, thậm chí có những điều khó hiểu, khó hình dung, ngay cả các ví dụ. Và đó là lý do chúng tôi phải nỗ lực điều chỉnh. Không có lý do gì mà một sinh viên Việt Nam khi nói tới con người trong tổ chức mà chỉ biết “người ngoài”, người “ngoại quốc”, còn nhìn lại mình thì chẳng biết mình có cái gì khác biệt với người ta! Cho nên, ngay cả các khái niệm, trong nhiều trường hợp có thể, chúng tôi cũng cố gắng trình bày sao cho gần gũi với lối hiểu, lối cắt nghĩa Việt Nam, tuy đôi khi không được thuyết phục lắm. Chúng tôi cũng cố gắng đưa nhiều ví dụ liên hệ đến Việt Nam, đặc biệt là khi nói đến ảnh hưởng của các nền văn hóa. Đây chỉ là những nỗ lực sơ sài bước đầu mà đôi khi chúng tôi vẫn cảm thấy rất bất lực, do hạn chế về trình độ, năng lực, do tài liệu, do thời gian,…Nên thế nào chăng nữa, các bạn cũng sẽ không mấy dễ dàng khi sửa dụng cuốn sách này.  

Bộ môn này là một khoa học nghiên cứu về hành vi con người bên trong tổ chức. Con người chắc chắn không xa lạ gì với chúng ta, nhưng nếu nói rằng con người là dễ hiểu thì đó là một sai lầm trầm trọng.  Gọi là một bộ môn khoa học thì đương nhiên nó phải có nhữngthuật ngữ, những khái niệm và lý thuyết đặc thù mà bất cứ một
người nào muốn gia nhập đều phải cố gắng làm quen và biết sử dụng chúng. Không thể vì lý do dễ hiểu mà “quần chúng hóa” chúng được. Đương nhiên, người viết phải trình bày sao cho người đọc, dù khó khăn cách mấy, cũng có thể nắm bắt được các ý niệm, quan niệm này. Vậy, khó khăn không nằm ở chỗ khái niệm mà do cách trình bày. Thành ra, khi một khái niệm nào đó là xa lạ với bạn, bạn an tâm đọc kỹ lại phần giải thích, cắt nghĩa để có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp thu kiến thức. Không thể khác hơn được, bạn phải chịu khó để tiến bộ. Riêng bộ môn này, khi nói tới hành vi là nói tới tâm lý học (và đương nhiên còn có sự đóng góp từ nhiều ngành khác nữa).

Mà người ta thường nói, càng tâm lý bao nhiêu, càng triết lý bấy nhiêu. Cho nên, nếu lúc đầu bạn thấy bộ môn này hơi khó hiểu, đó là chuyện đương nhiên! Nhưng như đã nói, qua cách trình bày của cuốn sách này, hy vọng chúng tôi sẽ giải quyết được khó khăn này cho bạn, tuy vẫn luôn kêu gọi bạn kiên tâm, chịu khó một chút. 
Cuốn sách này trước hết nhằm phục vụ một đối tượng ưu tiên chính là sinh viên nói chung và sinh viên của Trường Đại học Mở TP.HCM nói riêng. Tuy nhiên, nó cũng là một tài liệu dùng để tham khảo đối với nhiều đối tượng khác, như các nhà lãnh đạo, các nhà quản trị đương nhiệm và những ai sẽ là những nhà lãnh đạo và nhà quản trị tương lai. Hành vi con người trong tổ chức xem ra rất quan trọng và thiết thực đối với họ, nó góp phần gia tăng hiệu quả và kết quả trong công tác quản lý. Một tổ chức
được đặt ra không chỉ để nói mà để hành động, để thực hiện các nhiệm vụ, các mục tiêu. Những kiến thức và kinh nghiệm về tài chính, kỹ thuật và các chuyên môn khác của các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ. Vì như chúng ta đã biết, tất cả các nhà lãnh đạo đều phải làm việc với con người và
thông qua con người để hoàn thành các mục tiêu của tổ chức. Và để cho con người bên trong tổ chức có những hành động đóng góp thiết thực, những hành vi đúng theo mong muốn của nhà lãnh đạo, họ phải kiểm soát, quản lý được các loại hành vi hành động này, họ phải hiểu người và có những kỹ năng về con người.  
Ngoài chương nhập môn mà chủ đích của nó là nhằm giải quyết những vấn đề, những khái niệm sơ khởi, căn bản bước đầu và đặc biệt phải trả lời các câu hỏi mang tính nền tảng chứng minh sự cần thiết, sự có mặt của bộ môn này trong các chương trình giảng dạy và đào tạo, các chương còn lại là phần triển khai, đi sâu vào các yếu tố, các mối tương quan, các điều kiện ảnh hưởng đến hành vi con người trong tổ chức. Để hiểu hành vi con người, hành vi người khác, chúng ta phải đặt cá nhân trong nhiều chiều, nhiều cấp độ khác nhau. Hành vi của một người trước hết là do chính cá nhân của họ, với tất cả đời sống sinh lý, tâm lý một người. Nhưng cũng cần lưu ý, mức độ chi phối hành vi của một người trưởng thành bao giờ cũng nghiêng mạnh về phía tâm lý nhiều hơn. Con người càng trưởng thành bao nhiêu, càng phải rời xa đời sống bản năng sinh lý bấy nhiêu. Con người cũng không phải một mình sống ở đời, mà sống cùng, sống với người khác. Vào một môi trường tổ chức lại càng phải như vậy. Các cá nhân phải phối hợp, hợp tác, tương tác với nhau để thực hiện công việc. Ngay trong đời thường, đôi khi một sự hiện diện của một người khác cũng đủ để làm đảo lộn toàn bộ cuộc sống cá nhân chúng ta! Và cũng đừng quên, chính các điều kiện, môi trường làm việc cũng là nguồn ảnh hưởng mạnh mẽ lên trên hành động, động lực của
chúng ta. Có như thế, chúng ta mới có thể hy vọng nắm bắt con người một cách khá triệt để. Một sự cô lập nào trong cách nhìn nhận về con người cũng đều tỏ ra thiếu sót. Bấy nhiêu là những kiến thức liên quan tới nội dung trình bày của cuốn sách, tuy chỉ ở mức độ gạn lọc vừa phải. Đây cũng là cơ hội để bạn nhìn nhận lại mình, hiểu được mình hơn. Với những kiến thức được cung cấp, bạn nhìn vấn đề sẽ rộng rãi hơn, thông thoáng hơn, về chính mình, về người khác. Từ đó, bạn mới có thể giải thích được, hiểu được, thông cảm được người khác, kể cả những “tật xấu” của họ, bởi những tật xấu đó “rất người”. Không chỉ vậy, cuốn sách này cũng giúp bạn một số kỹ năng thực hành trong đời sống cộng đồng và cá nhân. Và đây cũng là chìa khóa “đắc nhân tâm” để giúp bạn có thể trước hết là thành nhân và sau đó là thành công
trong đời sống công việc.  

Như đã nói, ngoài chương nhập môn, sách được chia thành ba phần, mỗi phần hay mỗi cấp độ gồm nhiều chương khác nhau, tùy theo nội dung yêu cầu. Cấp độ đầu tiên là cấp độ cá nhân, thứ đến là cấp độ đội nhóm và cuối cùng là cấp độ tổ chức. Mỗi chương được bắt đầu bằng mục tiêu của chương, thứ đến là nội dung trình bày, và lần lượt là phần tóm lược, các câu hỏi ôn tập, các bài tập thảo luận và thực hành. Đọc, hiểu, ghi nhớ, thực hành chính là các ý định nhắm tới của cách trình bày từng chương. Và riêng đối với bộ môn này, trong quá trình học, bạn cần liên hệ với những gì bạn đã học trước đó, những gì bạn đã trải nghiệm được thì cái học của bạn sẽ trở nên sâu sắc hơn, vững chãi hơn. Hy vọng các bạn sẽ thích thú với môn học này. Mọi sự đóng góp của các bạn, xin gởi về địa chỉ email: vinhnguyenquang2003@yahoo.com. Chân
thành cám ơn trước. 

Nhân đây, chúng tôi xin gởi lời cám ơn Trường Đại học Mở TP.HCM, Ban Học liệu và Khoa Quản trị Kinh doanh đã tạo điều kiện để cho cuốn sách này ra đời. Và một lời đặc biệt cám ơn đến TS. Nguyễn Hữu Thân, người đã dành cho tôi nhiều thịnh tình và nhiều lời cổ vũ, động viên cũng như đã bỏ thời gian đọc lại bản thảo để giúp tôi sửa chữa những sai sót không đáng có. Một lời cám ơn xin gởi đến bạn tôi, Th.S. Nguyễn Cao Tùng, đã giúp tôi rất nhiều về mặt kỹ thuật vi tính, mà thiếu sự giúp đỡ này, chắc chắn tôi sẽ gặp khó khăn vô cùng.  
Tác giả
 

Sách liên quan
Sách thường được mua kèm với sách này
Hoạt động của cộng đồng về sách này
Thành phần
Bình luận bạn đọc
Đăng nhập để viết bình luận