Cuộc cách mạng công nghiệp số 4.0 có những bước phát triển ngoạn mục, đặc biệt là sự xuất hiện trí tuệ nhân tạo. Cuộc cách mạng ấy đã mang lại rất nhiều lợi ích kèm theo không ít những âu lo, thách thức. Có thể nói làn sóng “số hóa” trong ứng dụng công nghệ, chuyển tải tri thức và cập nhật cơ sở dữ liệu hết sức nhanh gọn và thuận tiện cũng đã “số hóa” luôn cả nhận thức, tư duy và hành động của con người. Nhận thức được thách thức ấy, một số quốc gia trên thế giới đã đưa nội dung về giá trị sống (12 giá trị sống của UNESCO) vào chương trình đào tạo. Việc giáo dục các giá trị sống giúp sinh viên xây dựng một lối tư duy tích cực, chủ động, trách nhiệm, khuyến khích họ tìm kiếm và đề xuất các giải pháp mới cho các thách thức hiện tại. Bằng cách này, sinh viên không chỉ trở thành những tri thức trẻ vững vàng, hiểu biết, mà còn là những người tích cực đóng góp vào hoạt động cộng đồng và xã hội. Đồng thời, việc áp dụng những giá trị sống này cũng giúp sinh viên xây dựng một tinh thần đồng đội mạnh mẽ, khuyến khích sự đoàn kết và hỗ trợ, tôn trọng và yêu thương nhau trong học tập và cuộc sống, sự nghiệp sau này nhất là trong bối cảnh môi trường đang bị đe dọa, lao động ngày càng cạnh tranh.
Để hội nhập trong thời kỳ số đang tiến dần lên giai đoạn 5.0, giáo dục đại học cần thiết phải có những bước đột phá chiến lược trong chương trình đào tạo. Bên cạnh cung cấp những kiến thức, những công cụ thiết thực kết nối giữa nhà trường – sinh viên – với thị trường lao động, các Khoa khi xây dựng chương trình đào tạo cũng
cần quan tâm đến sự phát triển nhân cách, giúp học viên theo đuổi những giá trị khác biệt nhưng không “dị biệt” và lan tỏa những suy nghĩ hành động tích cực, theo đuổi những giá trị sống tốt đẹp hơn cho bản thân đồng thời đóng góp cho sự phát triển chung của toàn xã hội.
Thực tế, đa số sinh viên vẫn chưa được trang bị cũng như tự trang bị để hiểu biết đúng đắn về Giá trị sống. Trong khi các cơ sở giáo dục đại học lại là nơi hội tụ những hạt giống ưu tú này từ khắp mọi miền, thậm chí ở cả các quốc gia khác nhau. Vì lẽ đó, môn học giá trị sống cần được đưa vào trong chương trình giảng dạy. Thông qua nội
dung môn học này, sinh viên có thể nhận thức được vai trò quan trọng của các giá trị như Bình an, Tôn trọng, Trách nhiệm, Trung thực, Yêu thương, và Đoàn kết. Một khi có được nền tảng giá trị sống vững chắc, hiểu rõ chính mình, sinh viên sẽ luôn vững chãi, tin tưởng, sẵn sàng đương đầu với những biến động không thể tránh khỏi của cuộc đời. Sự tự chủ có được từ giá trị sống sẽ là con đường dẫn đến mọi thành công.
Chương trình giáo dục Giá trị sống được phát triển dựa trên sáng kiến và thiết kế của 20 nhà giáo dục đại diện cho 5 châu lục trên thế giới trong cuộc họp mặt tại trụ sở của UNICEF ở New York vào năm 1996. Kể từ đó chương trình đã được triển khai chính thức ở trên 80 quốc gia. Tại Việt Nam, Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Mở Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị đầu tiên đưa 12 giá trị sống cốt lõi được UNESCO công nhận vào chương trình đào tạo ở bậc Đại học.
Giá trị sống được chia làm 2 môn học tương ứng 2 tài liệu học tập. Với tài liệu học tập 1 mang tên Giá trị sống 1, nội dung sẽ lần lượt đi vào 6 giá trị, bao gồm: Bình an, Tôn trọng, Trách nhiệm, Trung thực, Yêu thương, và Đoàn kết. Ở tài liệu Giá trị sống 2 gồm: Khoan dung, Hợp tác, Khiêm tốn, Giản dị, và Tự do. Đây là một môn học mới, rất hay và cũng không dễ nắm bắt, áp dụng. Do vậy, dù nhóm tác giả đã hết sức cố gắng, nhưng chắc chắn không thể tránh khỏi những sai sót nhất định. Nhóm tác giả rất mong nhận được những đóng góp chân thành của quý độc giả, học viên, và các bạn quan tâm để nhóm có thêm thời gian đầu tư chỉnh sửa bổ sung thêm phần hoàn thiện hơn trong những lần tái bản tới.
Nhóm tác giả chân thành cảm ơn quý lãnh đạo nhà trường đã tạo điều kiện cho tài liệu học tập Giá trị sống 1 được xuất bản. Bên cạnh đó, để hoàn thành tài liệu học tập này, chúng tôi vô cùng biết ơn sự hỗ trợ chuyên môn rất nhiệt tình từ Cô Nguyễn Thị Bích Hà - Chủ nhiệm Chi hội Khoa học Tâm lý Giáo dục các Giá trị sống (LVEC), thành viên Hiệp hội Giáo dục các Giá trị sống quốc tế (ALIVE). Chúng tôi cũng trân trọng cảm ơn quý Thầy Cô và các thành viên trong các Hội đồng xét duyệt đề cương, hội đồng nghiệm thu đã đưa ra những nhận xét phản biện, và đóng góp rất ý nghĩa nhằm góp phần hoàn thiện quyển tài liệu học tập này.
Trân trọng cảm ơn!