Hỗ trợ:
(028) 39307533
Giỏ hàng:
0
(0)
Giới thiệu

Trong các chương trình phần mềm, giao diện là thành phần giao tiếp giữa ứng dụng với người sử dụng. Thông qua giao diện, người sử dụng có thể đưa dữ liệu vào để chương trình xử lý, đồng thời nhận được kết quả mà họ mong muốn. Vì vậy, giao diện có một vai trò rất quan trọng đối với tiêu chí đánh giá một phần mềm. Trước đây, chương trình phần mềm với giao diện dòng lệnh tuy vẫn đáp ứng được nhu cầu tính toán và xử lý, nhưng một trong số những hạn chế cơ bản của loại chương trình này là khó sử dụng vì thao tác đưa dữ liệu vào chương trình chỉ thông qua nhập liệu từ bàn phím. Sự phát triển mạnh mẽ của các ngôn ngữ lập trình bậc cao cho phép xây dựng các ứng dụng dạng đồ họa, giúp người sử dụng thao tác một cách dễ dàng hơn bằng cách sử dụng chuột, bàn phím, tác động trên màn hình cảm ứng,… Một chương trình phần mềm có giao diện đẹp, rõ ràng, ấn tượng, các chức năng được tổ chức sắp xếp một cách hợp lý, dễ hiểu, dễ sử dụng là một trong những yếu tố làm nâng cao sự hài lòng của người sử dụng.

Lập trình giao diện là môn học cung cấp cho người học các kiến thức và kỹ năng lập trình để xây dựng được các ứng dụng phần mềm có giao diện dạng đồ họa. Môn học này được triển khai và minh họa cụ thể bằng ngôn ngữ C# và công nghệ Microsoft Visual Studio.NET, sử dụng kỹ thuật lập trình hướng đối tượng của C# với các công cụ lập trình trực quan để xây dựng loại ứng dụng Windows Form và thao tác xử lý sự kiện với các phần tử trên giao diện. Sau khi học xong môn học này, sinh viên có khả năng:

              • Phân biệt được các loại giao diện ứng dụng để có thể lựa chọn loại giao diện phù hợp với yêu cầu sử dụng của phần mềm.
              • Sử dụng thành thạo các công cụ trực quan trong môi trường Visual Studio.NET để thiết kế giao diện phù hợp yêu cầu tương tác với người sử dụng.
              • Sử dụng thành thạo ngôn ngữ lập trình C#, vận dụng phương pháp xử lý lỗi, nắm bắt các sự kiện trên các thành phần giao diện để lập trình xử lý các chức năng và hoạt động của chương trình nhằm nâng cao tính tương tác với người sử dụng.
              • Lập trình xây dựng các ứng dụng ở mức cơ bản, có khả năng tự học, tự nghiên cứu để nâng cao kỹ năng lập trình xây dựng các ứng dụng đáp ứng yêu cầu phức tạp hơn trong thực tế.

Tài liệu gồm 8 chương, mỗi chương đều có bài tập thực hành có gợi ý, hướng dẫn và một số bài tập không có hướng dẫn để rèn luyện tư duy lập trình, kỹ năng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Nội dung các chương bao gồm:

Chương 1: Tổng quan về lập trình giao diện với Visual Studio.NET

Chương 2: Ngôn ngữ lập trình C#

Chương 3: Lập trình hướng đối tượng với C#

Chương 4: Windows Form và các control

Chương 5: Sự kiện bàn phím và chuột

Chương 6: Mảng và chuỗi

Chương 7: Làm việc với tập tin và thư mục

Chương 8: Đồ họa

Cuối tài liệu là phần bài tập, ngoài các bài tập có hướng dẫn, bài tập tự làm của mỗi chương, còn có một số bài tập tổng hợp và một số đề thi mẫu.

Các hình ảnh được sử dụng trong tài liệu phần lớn là do chính tác giả soạn thảo, nếu có tham khảo, đều có chú thích nguồn rõ ràng.

Để có thể học tốt môn học Lập trình giao diện, sinh viên cần phải có kiến thức về kỹ thuật lập trình với ngôn ngữ C++. Kiến thức và kỹ năng của môn học này là nền tảng để sinh viên có thể học tốt các môn học chuyên ngành như: Lập trình mạng, Lập trình Cơ sở dữ liệu, Lập trình Web,… và có khả năng hoàn thành các đề tài trong thực tập tốt nghiệp, đồ án môn học và khóa luận tốt nghiệp.

Phương pháp tự học:

              • Học theo trình tự từng chương, cần đọc kỹ kiến thức về lý thuyết, làm theo các ví dụ trong tài liệu.
              • Đối với các bài tập có hướng dẫn, sinh viên nên cố gắng tự làm trước theo khả năng của mình, khi thật sự cần thiết mới xem hướng dẫn, sau đó tự phát triển nâng cao các chức năng đã có.
              • Đối với các bài tập không có hướng dẫn, sinh viên cần phát huy tính sáng tạo và khả năng tự nghiên cứu, giải quyết vấn đề. Để làm được các bài tập này, sinh viên cần phải tham khảo thêm từ các tài liệu liên quan và có thể trao đổi với nhau trong nhóm để tìm cách giải quyết vấn đề; nếu cần, có thể nhờ trợ giúp từ giảng viên.

Một số website về lập trình có thể tham khảo như https://www.codeproject.com/, http://www.codeguru.com/, https://msdn.microsoft.com/

Sách liên quan
Sách thường được mua kèm với sách này
Hoạt động của cộng đồng về sách này
Thành phần
Bình luận bạn đọc
Đăng nhập để viết bình luận